Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Điều tranh chấp Công ty Phương Trang mới khởi kiện Ngân hàng Đại Tín

Chủ đề: Công ty Phương trang

Cuối phiên tòa xét xử ngày 18/05/2018, đại diện CTCP Đầu tư Phương Trang cho biết, trong quá trình vay tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) nếu có khúc mắc thì hai bên sẽ dành thời gian để giải quyết thương lượng, làm rõ số liệu. Tuy nhiên, khi không còn gì để thương lượng nữa, Công ty mới có đơn tố cáo.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, từ tháng 5/2010-2/2012, Ngân hàng Đại Tín – Chi nhánh Sài Gòn và Chi nhánh Lam Giang đã giải ngân cho Công ty Phương Trang cùng người có liên quan tổng cộng 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc 35 tỷ đồng và 1 khoản phát hành trái phiếu, với tổng sổ tiền trên sổ sách là gần 16,500 tỷ đồng. Sau khi tất toán một phần các khoản vay, tính đến ngày 15/11/2017, Công ty Phương Trang còn dư nợ gốc 9,437 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong tổng 9,437 tỷ đồng dư nợ gốc tại Ngân hàng, Phương Trang xác định chỉ nhận được 3,937 tỷ đồng. Hơn 5,250 tỷ đồng được bà Phấn lấy sử dụng mà không hề giải ngân cho Công ty. Còn lại 208 tỷ đồng nằm trong số tiền 4,554 tỷ đồng bà Ngô Thị Ngân - Thủ quỹ chính Ngân hàng Đại Tín nhận tiền mặt từ NHNN, không được đem về nộp vào kho quỹ ngân hàng theo lệnh điều chuyển vốn, mà tự ý đem đến phòng làm việc của bị can Hứa Thị Phấn tại tầng 6 tòa nhà Lam Giang (không phải trụ sở ngân hàng) giao cho khách hàng mà không ký chứng từ.

Kết luận điều tra xác định, bà Hứa Thị Phấn sở hữu 84.92% cổ phần Ngân hàng Đại Tín, đã lợi dụng ảnh hưởng của mình tại Ngân hàng, thông qua bà Bùi Thị Kim Loan (Kế toán Công ty Phú Mỹ) chỉ đạo một số cán bộ, nhân viên Ngân hàng Đại Tín lập chứng từ thu khống, hạch toán khống trên hệ thống SmartBank, sau đó đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang thông qua các chứng từ chi khống để cấn trừ vào số tiền đã chiếm đoạt. Bước cuối cùng mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục.

Các đại diện của nhóm Phương Trang tại tòa (Hàng thứ hai từ trên xuống). Ảnh: Thu Phong

Hiểu sai số liệu

Từ năm 2012, Công ty Phương Trang đã tố cáo bà Hứa Thị Phấn và Ngân hàng Đại Tín lợi dụng việc Công ty là doanh nghiệp có nhiều bất động sản và động sản, có nhu cầu cần vay tiền để đầu tư kinh doanh, nên đã bị buộc ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt; khi phê duyệt hồ sơ vay không thông báo cho Công ty. Đồng thời lợi dụng các hồ sơ Công ty đã ký trước nhưng chi giải ngân cho vay một phần hoặc có hồ sơ vay không giải ngân đồng nào, từ đó rút tiền của Ngân hàng Đại Tín để sử dụng, đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín (sau đổi tên thành VNCB, nay là CB).

Tuy nhiên, khi thẩm vấn trước tòa, luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn đã đưa ra khá nhiều thắc mắc về hành vi của Phương Trang trong giai đoạn Ngân hàng Đại Tín giải ngân.

Theo luật sư, từ tháng 5/2010-2/2012, trong khi hầu hết các khoản giải ngân chỉ được nhận theo tỷ lệ hoặc không được nhận thì Công ty Phương Trang lại không khiếu nại, khiếu kiện. Ngược lại, Công ty có nhiều động thái được luật sư cho là rất "thân thiện" với bên Đại Tín như gửi hoa chúc mừng, tặng quà, bồi dưỡng nhân viên, nộp phí làm visa đi Trung Quốc và thanh toán tiền vé máy bay đi Hàn Quốc cho nhân viên của Ngân hàng Đại Tín.

"Tại sao thay vì phản ứng như đi khiếu nại, khiếu kiện hay báo cơ quan chức năng rằng tôi đang bị giải ngân thiếu, tài sản đảm bảo có giá trị đang bị ngân hàng giữ nhưng không giải ngân để bảo vệ mình thì anh lại có hành vi ngược lại?", luật sư đặt câu hỏi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét